Tôi mong rằng đứa trẻ nào cũng được đến trường, được học hành, bởi những đứa trẻ không được đến trường sẽ rất thiệt thòi vô cùng. Đó là những lời chia sẽ của Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Trường Tính, Nhân viên Trạm kiểm soát Biên phòng Phú Mỹ, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàn thành xong các công việc chuyên môn trong ngày, Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Trường Tính lại hối hả chuẩn bị cho “lớp học tình thương” do mình phụ trách. Anh cẩn thận xem lại bài giảng, sắp xếp giáo án, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học vào chiếc ba lô quen thuộc. Tối nay, Vũ Trường Tính lại đến với các em nhỏ ở Khu phố 3, phường Phú Mỹ, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Người thầy giáo tin yêu của những học trò có hoàn cảnh khó khăn
Dùng vội bữa cơm tối tại đơn vị trước các đồng đội, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính, với chiếc xe máy của mình, len lỏi qua các con hẻm đến nhà sinh hoạt cộng đồng Khu phố 3, nơi có các học sinh thân yêu đang chờ sẵn. Gần 30 học trò của thầy Tính, tuổi từ 6 đến 15 đã sắp xếp bàn ghế gọn gàng, chuẩn bị cho giờ học. Đó là những trẻ em từ các tỉnh khác theo gia đình về thành phố Hồ Chí Minh, không đủ điều kiện theo học tại các trường trên địa bàn, hoặc quá tuổi để có thể đi học bình thường.
“Mỗi lần đứng lớp giảng bài, nhìn thấy những cặp mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em, tôi càng thêm động lực góp phần giúp các em đi tìm kiến thức” Nguyễn Trường Tính bộc bạch. Với suy nghĩ đó, tình cảm đó và với trách nhiệm của một người chiến sĩ quân hàm xanh, Nguyễn Trường Tính dường như dồn hết tâm huyết, kiến thức của mình vào mỗi lời giảng, mỗi lời giải đáp khi học trò còn trăn trở, khúc mắc.
Bé Lê Hồng Thanh, 8 tuổi, ở trọ cùng gia đình tại Khu phố 3 không giấu niềm tự hào khi được là học trò của “thầy” Tính: “Thầy quan tâm đến tụi con lắm. Thầy dạy con biết đọc, biết viết, làm các phép tính. Thầy còn tặng chúng con cả sách vở, quần áo và cả gạo trong lúc nghỉ học do dịch Covid-19 nữa”.
Lớp học tại khu phố 3 không phải là lớp học đầu tiên mà Tính đứng trên bục giảng. Đến nay, người cán bộ kiểm tra giám sát của Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ, Biên phòng Cửa khẩu Cảng thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 22 năm “truyền chữ” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên các địa bàn công tác.
Cơ duyên gắn “người lính” với “người thầy giáo quân hàm xanh”
Từ nhỏ, khi còn đi học tại xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Vũ Trường Tính đã thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy. Cuộc đời cách mạng của Bác, đặc biệt qua cuốn sách “Búp sen xanh” viết về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến lúc Người ra đi tìm đường cứu nước của nhà văn Sơn Tùng càng tiếp thêm sức mạnh cho Tính trong học tập cũng như áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống.
Tính nhận ra rằng, người nông dân nếu không được học hành, không có kiến thức về khoa học kỹ thuật thì cuộc sống còn khổ cực và vất vả. Anh dẫn chứng: “Được học tập và chịu khó nghiên cứu, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, khi còn là học sinh tôi đã ứng dụng thử nghiệm với một sào lúa của gia đình với diện tích (360 mét vuông) và thu được 220 đến 240 kg thóc một vụ, trong khi hàng xóm chỉ thu được từ 160 đến 180 kg”. Đó chính là hiệu quả mà Tính rút ra được từ việc học tập.
Nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng, hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự, Vũ Trường Tính thi đỗ vào Trường Trung học Biên phòng 2. Với suy nghĩ, khi thực hiện nhiệm vụ, làm công tác vận động quần chúng cán bộ, chiến sĩ biên phòng thường dạy học cho trẻ em, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nên trong thời gian học, Vũ Trường Tính đã thường xuyên qua Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu mượn tài liệu sư phạm để học và nghiên cứu.
Về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Thạnh An, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ giảng dạy các môn quân sự, chính trị, nghiệp vụ biên phòng cho chiến sĩ Vũ Trường Tính đã phát huy tố chất của một người cán bộ, giáo viên trên thao trường, giảng đường. Chính vì vậy, năm 2000, khi về công tác tại Trạm Kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An), một ốc đảo cô lập với phương tiện giao thông chính là ghe, xuồng, Tính nhận thấy hầu hết người dân, học sinh nơi đây chỉ học hết cấp 1, số học sinh học tiếp cấp 2 chỉ có 2 đến 3 người mỗi năm học do phải xuống xã học và ở trọ. Thế là lớp học cấp 2 đầu tiên do thầy giáo Vũ Trường Tính đề xuất được mở tại Thiềng Liềng.
Tính nhớ lại, khi thông báo cho địa phương để đăng ký danh sách, lớp có 42 “học sinh” với độ tuổi từ 12 đến 54. Bốn năm ròng rã, thầy và trò cùng nhau cần mẫn, khi học chính khóa trên lớp, khi thầy đến tận nơi giảng tại nhà, đến năm 2004, 34 “học sinh” đã chính thức được công nhận tốt nghiệp cấp 2, trong đó có 3 học sinh tiếp tục vào đất liền học tiếp cấp 3. Với kinh nghiệm từ lớp đầu tiên, lớp thứ 2 được đơn vị phối hợp với địa phương mở vào năm 2003, do thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Trường Tính đứng lớp, đã có 26 học sinh được xét tốt nghiệp cấp 2 và một số tiếp tục học tiếp. Nhiều người trong số đó sau này làm cán bộ xã, trưởng ấp, công an viên, kiểm lâm viên…
“Gắn bó, tâm huyết với nghề”
Đó chính là nhận xét của Đại tá Lâm Văn Huy, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh. Nói về “nghề” chính thức, là một cán bộ kiểm tra, giám sát biên phòng cửa khẩu cảng, Đại tá Lâm Văn Huy nhận định Trung tá QNCN Vũ Trường Tính luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của một quân nhân, tích cực, chủ động trong công việc được giao, nhiều năm liền được cấp trên các cấp khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Chiến sĩ tiên tiến”, Bằng khen, Giấy khen.
Còn với cương vị là người thầy giáo quân hàm xanh Đại tá Lâm Văn Huy cho biết: “Trên cương vị nào, ở đơn vị nào, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính đều đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của các gia đình khó khăn trên địa bàn, chủ động đề xuất đơn vị, chính quyền địa phương mở “lớp học tình thương” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường và trực tiếp đứng lớp giảng dạy”.
Chính vì vậy, năm 2011, “lớp học tình thương” của thầy giáo Tính được mở tại Khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, khi anh về nhận công tác tại Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Nghé. Phối hợp cùng với các đoàn viên khu phố 5, Vũ Trường Tính đã liên tục giảng dạy cho 32 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Những kiến thức cơ bản mà thầy Tính truyền đạt đã giúp các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết chăm lo cho bản thân và qua đó giúp ích cho gia đình và xã hội.
Gắn bó, tâm huyết với nghề “truyền chữ”, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính xác định: “Được đơn vị, cấp trên tạo điều kiện, tôi sẽ tiếp tục làm người lái đò đưa các em qua dòng sông kiến thức. Đó chính là hạnh phúc của người thầy giáo quân hàm xanh khi được thấy các em học sinh của mình trưởng thành, chững chạc, tự tin và trở thành người có ích cho xã hội”.
Lương Kiểm