Góp sức trẻ vào công cuộc chống dịch
Lưu Hải Phong (năm thứ hai, khoa Công tác xã hội, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) tham gia chống dịch từ tháng 6/2021 và nhận nhiệm vụ đầu tiên là hỗ trợ rau củ cho người dân tại Q. Gò Vấp. Đến ngày 1/7, Phong được phân công lên đơn vị P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân và trở thành điều phối viên lấy mẫu, chuyển F0 vào khu cách ly và trả tro cốt bệnh nhân tử vong về cho gia đình.
Thời gian đầu, gia đình không ủng hộ quyết định của Phong vì tình hình dịch TP. HCM đang rất phức tạp. Cậu bạn bộc bạch: “Mình thấy cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn nên mình muốn góp một phần sức trẻ để cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh, đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”.
Hải Phong bắt đầu chương trình học năm hai từ ngày 20/9 và cậu bạn gặp khá nhiều vấn đề trong việc sắp xếp thời gian vì lịch học khá dày đặc. Phong chia sẻ: “Mình từng nghĩ sẽ tạm gác lại việc học để hoàn thành công việc tình nguyện viên, nhưng bạn bè khuyên mình nên tiếp tục để tránh dang dở. Vì thế, mình cố gắng cân bằng giữa học trực tuyến và làm nhiệm vụ”. Bên cạnh đó, Phong cũng gặp khó khăn trong việc tìm phương pháp học tập hiệu quả.
Chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm việc, Phong kể lại: “Ngày mình thi Giáo dục Thể chất ở trường trùng với lúc mình nhận nhiệm vụ đi tiêm vắc xin lưu động. Lúc đang đo huyết áp, test nhanh cho mọi người thì thầy gọi tên mình để điểm danh và mình không thể tập trung được. Sau đó, mình phải xin ra ngoài khoảng 5 – 10 phút để hoàn thành phần thi. Vừa hít đất vừa mặc bộ đồ bảo hộ cấp ba, mình đã vã hết mồ hôi”.
Cân bằng giữa việc học trực tuyến với công việc tình nguyện
Đầu tháng 6/2021, Huỳnh Đặng Tú Uyên (năm thứ hai, khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) quyết định “lên đường” hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Công việc của Uyên là phân phối lương thực, trực khu cách ly tập trung, hỗ trợ tiêm vắc xin và lấy mẫu tại Q. 1, Q. 3 và Q. 4. Đến cuối tháng 8/2021, khi TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16, Uyên đã thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ” tại P. Bến Thành, Q. 1.
Cuối tháng 8/2021, Uyên đã bắt đầu năm học mới nhưng cô bạn quyết định vẫn tiếp tục tham gia chống dịch vì đây là thời điểm rất cần tình nguyện viên. Vừa học trực tuyến vừa tham gia tình nguyện, khó khăn lớn nhất của Uyên là việc quản lý thời gian. Cô bạn bộc bạch: “Buổi nào có tiết học thì mình nghỉ để tham gia lớp học. Có lúc công việc nhiều, mình phải xin phép nghỉ học để hoàn thành nhiệm vụ và ôn lại bài vào buổi tối. Thầy cô cũng tạo điều kiện cho mình học bù với lớp khác nếu như mình phải vắng buổi học trước”.
Mặc dù lo lắng nhưng ba mẹ vẫn ủng hộ và thường xuyên gọi điện để hỏi thăm, nhắc nhở cô bạn giữ gìn sức khoẻ. Hiện tại, Uyên đã về nhà và sẵn sàng “lên đường” bất cứ khi nào cần hỗ trợ.
Cùng với chị gái của mình, Phan Tuyết Hương (năm thứ hai, ngành Marketing, trường ĐH Văn Lang) đã trở thành tình nguyện viên chống dịch từ tháng 5/2021. Ban đầu, hai chị em Hương giấu gia đình tham gia chống dịch vì sợ ba mẹ lo lắng. Cứ một người đi thì người kia ở nhà, đến tháng Sáu thì hai chị em cùng tham gia tình nguyện sau khi đã thuyết phục được ba mẹ.
Hơn 4 tháng tham gia chống dịch, Hương đã trải nghiệm những công việc như trực chốt giao thông, khu cách ly, khu phong tỏa, hỗ trợ nhập liệu, tiêm vắc xin và hỗ trợ lấy mẫu. Địa bàn công tác của Hương đa dạng từ TP. Thủ Đức đến Q. 7, Q. Bình Thạnh, Q. Phú Nhuận…
Mặc dù chương trình học đã bắt đầu từ tháng Chín nhưng Hương vẫn tiếp tục công việc tình nguyện viên. Cô bạn sắp xếp lịch học vào 3 ngày và những ngày còn lại dành để tham gia tình nguyện. Ngày nào có bài tập thì Hương luôn cố gắng hoàn thành ngay trong ngày hoặc dành các buổi tối còn lại trong tuần để ôn bài nếu không làm kịp. Tuy nhiên, Hương vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Hương bày tỏ: “Mình bắt đầu học các môn chuyên ngành nên cần sự tập trung nhiều hơn, mà công việc thì ngày càng nhiều nên khá vất vả để cân bằng cả hai”. Uyên mong đại dịch mau chóng qua đi và cô bạn sẽ tiếp tục tham gia chống dịch cho đến khi tình hình dịch ổn định mới thôi.Hương Nhu – Thu Trang